Thứ Hai, ngày 9 tháng 9 năm 2024, 05:41:42 SA, GMT +07:00


Thứ Ba, 9/6/2015
Phát triển nhà ở xã hội cần một chiến lược dài hạn
Phát triển nhà ở xã hội là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Nhiều chính sách về phát triển nhà ở đã được ban hành trong thời gian qua. Tuy nhiên, có nhiều cử tri cho rằng, việc triển khai từ chính sách đến thực tế vẫn còn khá chậm. Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã có những chia sẻ về vấn đề này.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, việc xây dựng nhà ở xã hội hướng tới các đối tượng, gồm người nghèo ở nông thôn; người có công với nước; sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp lực lượng vũ trang; người dân, lao động ở đô thị; công nhân khu công nhiệp, nhà ở cho sinh viên... 

Tháng 11/2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược nhà ở Quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; trong đó có nêu rõ quan điểm mang tính khoa học và nhân văn, xác định phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước và xã hội. Như vậy, Chiến lược nhà ở Quốc gia khẳng định Nhà nước có trách nhiệm cải thiện nhà ở cho người dân; trong đó chia làm hai loại nhà ở, gồm nhà ở thị trường hàng hóa và nhà ở thị trường phi hàng hóa (nhà ở xã hội). 

Khu nhà ở xã hội đầu tiên ở thành phố Hòa Bình. Ảnh: Nhan Sinh - TTXVN

Trên cơ sở Chiến lược nhà ở Quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc phát triển nhà ở xã hội được cụ thể hóa bằng Nghị định 188/2013/NĐ-CP quy định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Hơn thế nữa, chính sách này đã được cụ thể hóa trong Hiến pháp năm 2013; trong đó có quy định quyền về nơi ở của người dân và Nhà nước phải có chính sách cải thiện nhà ở cho người dân. Để cụ thể hóa vấn đề này, Luật Nhà ở 2014 cũng đã dành một Chương quy định về nhà ở xã hội và đến nay Luật này đang được cụ thể hóa bằng các văn bản dưới luật. 

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng khẳng định, ngay như các nước phát triển, người dân có thu nhập 30.000 - 40.000 USD/năm, thậm chí đến 50.000 USD/người/năm vẫn có chính sách phát triển nhà ở xã hội và đã phát triển nhiều thập kỷ. Trong khi đó, Việt Nam vẫn là nước có thu nhập trung bình, khoảng 2.000 USD/người/năm, nhưng đã thực hiện chính sách về nhà ở xã hội được vài năm. Như vậy, có thể nói rằng các chính sách phát triển nhà ở xã hội ở Việt Nam mới bắt đầu và còn nhiều việc cần phải làm, cần phải tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện. Mặt khác, đây cũng là chương trình cần có sự phát triển dài hạn, nhiều năm chứ không phải diễn ra trong một vài năm. 

Một lý giải khác về việc phát triển nhà ở xã hội ở Việt Nam còn chậm, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội có lợi nhuận thấp nên họ không mặn mà. Trong khi đó, người dân mua nhà ở xã hội đều là những người thu nhập thấp nên rất khó thu xếp nguồn tài chính để tiếp cận với nhà ở xã hội. Do đó, để phát triển nhà ở xã hội, theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, rất cần sự hỗ trợ hơn nữa của Nhà nước, đặc biệt là hỗ trợ về tín dụng với lãi suất thấp để người dân có thể tiếp cận được nguồn vốn này, cũng như tạo mọi điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư. 

Bộ trưởng nhấn mạnh, trong tương lai, cần rất nhiều nhà ở xã hội ở hầu hết các địa phương vì vậy cần tập trung nhiều nguồn lực và thực hiện nhiều giải pháp. Đó là phải hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời đề cao vai trò trách nhiệm của Nhà nước, đặc biệt là vai trò của bộ, ngành có liên quan trong việc xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội; trong đó có những vấn đề mang tính quyết định cho sự phát triển như chính sách đất đai, đơn giản các thủ tục đầu tư liên quan nhằm thu hút các doanh nghiệp vào cuộc…
Theo Toàn Xuyên (TTXVN)

HANCORP

TIN NỔI BẬT

VIDEO CLIP
Tổng Công Ty Xây Dựng Hà Nội - Bộ Xây Dựng
THƯ VIỆN ẢNH
Hội trường Ba Đình Mới
Trụ sở Bộ Công an
Khách sạn Sofitel Plaza
Khu Đoàn Ngoại giao
Trung tâm hội nghị quốc gia