Thứ Hai, ngày 9 tháng 9 năm 2024, 04:59:32 SA, GMT +07:00


Thứ Ba, 20/3/2018
Phát triển công trình xanh, đô thị xanh: Cần đặt mục tiêu cụ thể
Các cục, vụ, viện và hội nghề nghiệp ngành Xây dựng đang tích cực tham vấn Bộ Xây dựng kế hoạch hành động của ngành thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và kiến nghị Bộ Xây dựng phát động chương trình phát triển đô thị xanh.

Nâng cao nhận thức toàn ngành
Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành Xây dựng, những vấn đề về phát triển bền vững đã manh nha trong ngành Xây dựng nhiều năm trước sau Hội nghị Rio năm 1992 với 3 trụ cột phá triển bền vững chính: Kinh tế, xã hội và môi trường, nhưng các nội dung đề cập đến chưa thật sự rõ nét như hiện nay.
Tại Quyết định số 622/QĐ-TTg, ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, giao Bộ Xây dựng 11 nhiệm vụ khá rõ nét, tập trung vào các chức năng quản lý nhà nước của Bộ như: Quy hoạch, phát triển đô thị, nhà ở, vật liệu xây dựng và môi trường xây dựng.
Hầu hết các chuyên gia trong ngành thống nhất ý kiến, việc nâng cao nhận thức vì sự phát triển bền vững theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 622 không chỉ có các cục, vụ trực thuộc Bộ Xây dựng, mà còn có sự tham gia của toàn ngành như: Cục, vụ, viện, UBND các tỉnh, hội nghề nghiệp, doanh nghiệp, người lao động.
Góp ý về nội dung cụ thể cho Dự thảo kế hoạch hành động của ngành Xây dựng, ông Nguyễn Công Thịnh - Phó vụ trưởng Vụ KHCN&MT cho biết, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Xây dựng hướng dẫn phát triển VLXD tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, giảm tiêu thụ năng lượng, giảm sử dụng tài nguyên thiên nhiên, các chỉ tiêu về năng lượng trong quy hoạch khoáng sản làm VLXD, quy hoạch xi măng, công tác kiểm kê phát thải khí nhà kính (sản xuất VLXD, phát thải trong bãi chôn lấp, khí nhà kính trong các tòa nhà), nên cần được đưa vào các nội dung cụ thể của chương trình vì sự phát triển bền vững của ngành Xây dựng.
Ông Lưu Đức Cường - Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia cho biết, câu chuyện phát triển bền vững của ngành Xây dựng rất rộng nên không thể kỳ vọng một chương trình có thể giải quyết được tất cả. Cho nên, kế hoạch hành động của ngành Xây dựng phải bám sát Quyết định 622 đồng thời có tính khả thi, đi vào được cuộc sống. Nội dung liên quan đến biến đổi khí hâu cần lồng ghép với nội dung về tiêu chuẩn, quy chuẩn, vật liệu xây dựng và cốt lõi nhất là chính sách, chiến lược quy hoạch phát triển đô thị, nông thôn quốc gia.
Ông Lưu Đức Cường cũng đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của các viện nghiên cứu trong chiến lược phát triển bền vững của ngành Xây dựng.
Cần phát động chương trình đô thị xanh
Với lý do phát triển bền vững luôn gắn liền với môi trường, không ít ý kiến các chuyên gia cho rằng, cần phát động phong trào phát triển công trình xanh, đô thị xanh vì một ngành Xây dựng phát triển bền vững.
Nhân cơ hội triển khai kế hoạch hành động của ngành Xây dựng thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, ông Phạm Đức Nguyên - Tổng Thư ký Hội Môi trường xây dựng Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì phong trào phát triển đô thị xanh, công trình xanh.
Ông Phạm Đức Nguyên cho biết, tổng kết 10 đô thị lớn nhất thế giới phát triển công trình xanh có các tiêu chí về: Chất lượng công trình xanh, số lượng công trình xanh, tỷ lệ công trình xanh trên đầu người, tỷ lệ công trình xanh trên GDP, tỷ lệ phát thải CO2, tỷ lệ công viên xanh, không gian xanh… Để đạt được các tiêu chí này phải có phong trào phát triển công trình xanh. Tuy nhiên, nếu không có bàn tay của Chính phủ thì rất khó thực hiện. Vì vậy, ông Phạm Đức Nguyên kiến nghị Bộ Xây dựng đứng ra phát động phong trào, các cục, vụ như Vụ KHCN&MT, Cục Phát triển Đô thị giúp Bộ Xây dựng triển khai chương trình.
Theo ông Phạm Đức Nguyên, cần đặt mục tiêu cụ thể cho phát triển công trình xanh, đô thị xanh. Có thể đặt lộ trình trong vòng 3 năm phát động phong trào công trình xanh quốc gia, đến năm 2030 đạt được 50% số lượng công trình xanh trong các đô thị.
Nhiều nghiên cứu và thực tế đã cho thấy, công trình xanh giúp tiết kiệm năng lượng rất lớn, năng lượng có thể giảm từ 30 - 50%, nước tiết kiệm được 30 - 50%, chất thải được xử lý tốt. Phong trào đô thị xanh trên thế giới hiện có 2 mô hình khác nhau, một mô hình là các hộ dân thực hiện, các nước làm tốt là Mỹ, châu Âu, Malaysia. Mô hình thứ hai là nhà nước chủ trì, một bộ đứng ra triển khai, Singapore là điển hình của phong trào. Tại Singapore, phong trào mới phát triển từ năm 2005, đến nay có 2 chương trình tầm cỡ quốc gia, chương trình thứ hai dự kiến đem lại kết quả đến năm 2030 có 80% công trình xây dựng đạt tiêu chí công trình xanh.
Theo baoxaydung.com.vn

TIN NỔI BẬT

VIDEO CLIP
Tổng Công Ty Xây Dựng Hà Nội - Bộ Xây Dựng
THƯ VIỆN ẢNH
Hội trường Ba Đình Mới
Trụ sở Bộ Công an
Khách sạn Sofitel Plaza
Khu Đoàn Ngoại giao
Trung tâm hội nghị quốc gia