Thứ Hai, ngày 9 tháng 9 năm 2024, 05:08:33 SA, GMT +07:00


Thứ Ba, 20/3/2018
Cổ phần hóa DNNN: Tháo gỡ vướng mắc phát sinh
“Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện điều kiện kinh doanh, môi trường pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để tăng nhanh số lượng DN thành lập mới, DN khởi nghiệp hướng tới hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 nước ta có 1 triệu DN hoạt động”

- Đó là một trong những nội dung của Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN năm 2018 (Chương trình) vừa được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo ký ban hành.


Năm 2018, công tác tái cơ cấu DNNN sẽ tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa.

Hoàn thành tái cơ cấu DNNN

Theo Chương trình, năm 2018, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN sẽ tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của DNNN, về sắp xếp, CPH, thoái vốn theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN; về hỗ trợ DN nhỏ và vừa.

Đồng thời chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, TCty Nhà nước hoàn thành CPH, thoái vốn Nhà nước theo đúng kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; bảo đảm số thu về ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội giao; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, bất cập phát sinh trong triển khai thực hiện. Trước ngày 10/01/2019, các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, TCty Nhà nước có báo cáo đánh giá, kiểm điểm xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, các tổ chức, cá nhân có liên quan nếu không hoàn thành kế hoạch được giao, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Khẩn trương bán cổ phần lần đầu (IPO) đối với các DN đã được Thủ tướng Chính phủ, cấp có thẩm quyền phê duyệt Phương án CPH.

Cũng theo chương trình công tác năm 2018, Ban Chỉ đạo sẽ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, TCty Nhà nước hoàn thành việc phê duyệt đề án cơ cấu lại các DNNN. Tiếp tục cơ cấu lại toàn diện DNNN về tổ chức, nhân sự, chiến lược, quản trị, tài chính, công nghệ, sản phẩm, ngành nghề... để lành mạnh hóa tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động đối với từng DN. Đồng thời, rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại, yếu kém của DNNN và DN có vốn Nhà nước; kiên quyết xử lý các DN thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường và xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân liên quan...

Chỉ đạo người đại diện đôn đốc các DN đã CPH thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán; xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ quy định của pháp luật trong việc đăng ký giao dịch niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Khẩn trương, nghiêm túc thực hiện bàn giao các DN đã thống nhất, thuộc diện phải bàn giao, có chỉ đạo của Thủ tướng phải bàn giao về TCty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước theo đúng quy định hiện hành; bàn giao các Tập đoàn, TCty có quy mô lớn của Nhà nước trong danh sách DNNN thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước từ các Bộ, ngành về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại DN.

Đẩy mạnh quyết toán vốn Nhà nước

Liên quan đến công tác CPH và thoái vốn Nhà nước đối với các DN thuộc Bộ Xây dựng trong năm 2018, ông Đậu Minh Thanh - Vụ trưởng Vụ Quản lý DN (Bộ Xây dựng) cho biết, công tác CPH DNNN, thoái vốn tại DN có vốn góp của Nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu năm 2017 đạt được kết quả tương đối ấn tượng, nộp về ngân sách Nhà nước gần 6.000 tỷ đồng. Trong năm 2018, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục hoàn tất các công việc còn lại của công tác CPH đối với IDICO và Sông Đà và hoàn thành CPH VICEM và HUD theo kế hoạch đặt ra.

Theo đó, Bộ cũng đẩy mạnh quyết toán vốn Nhà nước bàn giao sang CTCP; tập trung, đẩy mạnh công tác thoái vốn Nhà nước tại các TCty - CTCP với chủ trương linh hoạt, khuyến khích các TCty thực hiện thoái vốn không hạn chế tỷ lệ ở mức tối thiểu như quy định; xây dựng phương án và thực hiện thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại TCty IDICO - CTCP và thoái bớt phần vốn Nhà nước tại TCty Sông Đà - CTCP xuống còn 51% theo lộ trình.

Đồng thời, Bộ tiếp tục xem xét, phê duyệt, chấp thuận để người đại diện vốn thông qua Phương án sắp xếp, tái cơ cấu các DN giai đoạn 2017 - 2020 đối với các đơn vị chưa hoàn thành; yêu cầu, giám sát các TCty, người đại diện vốn tại các TCty - CTCP thực hiện nghiêm túc việc đăng ký giao dịch và niêm yết cổ phiếu của DN sau CPH trên sàn giao dịch chứng khoán theo quy định; hoàn thành công tác tái cơ cấu Cty CP Xi măng Hạ Long và Cty CP Xi măng Sông Thao theo phương án được duyệt.

Được biết, năm 2017, Bộ Xây dựng đã triển khai đồng loạt công tác thoái vốn Nhà nước tại cả 12 TCty - CTCP với chủ trương thoái vốn linh hoạt, khuyến khích các TCty thực hiện thoái vốn, không hạn chế tỷ lệ theo mức quy định tối thiểu. Nhiều TCty tuy không thuộc danh mục yêu cầu thoái vốn trong năm 2017 theo kế hoạch, song Bộ Xây dựng vẫn thực hiện thoái vốn.

Theo baoxaydung.com.vn

TIN NỔI BẬT

VIDEO CLIP
Tổng Công Ty Xây Dựng Hà Nội - Bộ Xây Dựng
THƯ VIỆN ẢNH
Hội trường Ba Đình Mới
Trụ sở Bộ Công an
Khách sạn Sofitel Plaza
Khu Đoàn Ngoại giao
Trung tâm hội nghị quốc gia